Xăng, dầu Việt Nam chưa theo kịp. Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 thì chất lượng của xăng, nhiên liệu diezel, nhiên liệu sinh học phân phối trong nước cũng như nguồn nhập khẩu phải đáp ứng. Tuy nhiên đến năm 2017, nhiên liệu sản xuất trong nước của Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng được tiêu chuẩn này. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lấy ví dụ, các sản phẩm xăng, nhiên liệu diezel của nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất chưa đạt tiêu chuẩn mức 3.
Tương tự, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tiêu chuẩn thiết kế và chất lượng sản phẩm cũng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn mức 4. Trong khi đó, việc đầu tư công nghệ sản xuất xăng, nhiên liệu diezel đáp ứng tiêu chuẩn khí thải 4 chỉ có khả năng thực hiện sau năm 2021. Hiện, chênh lệch giá xăng dầu nhập khẩu giữa mức 2 và mức 4 lên đến khoảng 110 USD/tấn. Mặt khác, nếu áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 thì tất cả các loại xe phải thay đổi động cơ từ Euro 2 sang Euro 4, làm giá thành tăng từ 35-40%, theo đó giá ô tô sẽ tăng từ 15-20%. Do vậy, chi phí vận chuyển sẽ bị ảnh hưởng. Cũng theo ông Đinh Văn Thu, nhiều nước trong khu vực ASEAN cũng đã lùi thời điểm áp dụng mức khí thải 4, như Indonesia lùi đến năm 2018 với ô tô và áp dụng hoàn toàn vào năm 2022; Malaysia cũng lùi đến 2018, thậm chí có thể đến 2022; riêng Singapore, Thái Lan, Philippines chỉ áp dụng khí thải mức 4 đối với động cơ xăng và chưa áp dụng với động cơ diezel.Nguyên nhân chủ yếu khiến các nước phải lùi lộ trình là do nguồn nhiên liệu diezel đạt tiêu chuẩn mức 4 chưa đáp ứng được… Do đó, tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chính phủ xem xét lùi thời điểm áp dụng tiêu chuẩn khí thải 4 với ô tô chở người từ 17 chỗ trở lên và ô tô tải các loại đến năm 2022, riêng với dòng xe chở người từ 17 chỗ trở xuống thì áp dụng đúng lộ trình.