Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Đại sứ quán Nhật Bản vừa kiến nghị lên các cơ quan chức năng, bày tỏ quan ngại về một số quy định mới với DN sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô. Theo các kiến nghị này, những vướng mắc mới này có thể sẽ khiến DN gặp khó, tốn kém chi phí, giá ô tô sẽ khó giảm, người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
VAMA đã kiến nghị lên thủ tướng Chính phủ nêu những quan ngại về Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, có hiệu lực từ 17/10/2017.
DN nội kêu vướng mắc
Tại điểm a, khoản 2, điều 6 trong Nghị định 116 quy định, với ô tô chưa qua sử dụng, khi tiến hành kiểm tra thử nghiệm, DN nhập khẩu phải cung cấp bản sao Giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại ô tô nhập khẩu, được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài.
Theo VAMA, yêu cầu mới này là vấn đề lớn đối với tất cả các thành viên, vì Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu không tồn tại ở nhiều quốc gia. Một số quốc gia áp dụng chính sách các nhà sản xuất tự chứng nhận. Một số quốc gia cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể cấp Giấy chứng nhận này, nhưng hệ thống tiêu chuẩn và đăng kiểm không giống với hệ thống ở Việt Nam. Vì vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam có thể sẽ không chấp nhận do có sự khác biệt. Chẳng hạn như sự khác biệt về vị trí ngồi lái xe, tiêu chuẩn khí thải, hay các đặc điểm kỹ thuật khác, giữa những xe bán ở các thị trường khác nhau.
Có thể xảy ra trường hợp xe của DN nhập khẩu đã đặt hàng trước đó, vận chuyền về Việt Nam thì bị ùn tắc tại cảng. Đa số thành viên VAMA đều nhập khẩu những mẫu xe từ công ty mẹ. Vướng mắc trong việc thực hiện các quy định mới của Nghị định 116 này, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN, quyền lợi của khách hàng và nguồn thu cho ngân sách.
Hơn thế nữa, quy định này không có nhiều ý nghĩa bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam đang thực hiện rất nghiêm ngặt các thủ tục kiểm tra, thử nghiệm, nhằm kiểm soát chặt chẽ về chất lượng.
VAMA đề nghị Chính phủ chấp thuận cho nhà nhập khẩu thêm lựa chọn, làm thủ tục kiểm tra thử nghiệm bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam, thay vì chỉ chấp nhận Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu, do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
Cũng tại điểm a, khoản 2, điều 6 còn quy định, ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu, phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra, thử nghiệm đối với từng lô. Mỗi lô xe nhập về sẽ phải lấy mẫu đem đi kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Như vậy, các xe cùng kiểu loại sẽ buộc phải thử nghiệm lại, chỉ vì chúng nằm ở các lô hàng khác nhau. Quy định này không có ý nghĩa về mặt chất lượng, chỉ làm kéo dài thời gian thông quan và làm lãng phí chi phí của xã hội.
Việc thử nghiệm 1 mẫu xe, có thể kéo dài tới 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 USD cho thử khí thải Euro 4. Ngoài ra, trong thời gian này các xe khác cùng lô sẽ phải buộc lưu kho ở cảng và chúng tôi băn khoăn về sức chứa của các cảng biển, liệu có đáp ứng được, khi thực hiện quy định này. Quy định này sẽ làm các DN tốn kém thêm chi phí không cần thiết cho việc chuẩn bị địa điểm lưu giữ xe.
Với DN sản xuất lắp ráp ô tô, Nghị định 116 yêu cầu phải có đường chạy thử dài tối thiểu 800m, sẽ khiến nhiều DN đối mặt với khó khăn khi tìm đất để đầu làm đường thử mới hoặc đường thử mở rộng. Các DN thành viên VAMA đã hoạt động ở Việt Nam hơn 20 năm nay và tất cả thiết bị nhà máy đã được thiết kế, đăng ký với các cơ quan Chính phủ. Bất kỳ thương hiệu hay DN nào, đều có quy trình kiểm tra chất lượng của riêng mình và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.
Vì vậy, VAMA đề nghị Chính phủ chấp nhận phương pháp thử thay thế, dành cho các nhà sản xuất không đủ đất và không hồi tố yêu cầu mới, với các nhà đầu tư, đã hoạt động ở Việt Nam, trước khi Nghị định này có hiệu lực.
Nhà đầu tư ngoại muốn công bằng
Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng có thư gửi Bộ Công thương, nêu quan điểm, cho rằng mục 4, điều 3 của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) quy định đối xử quốc gia, quy định rằng sản phẩm nhập khẩu cần được hưởng đãi ngộ tương tự như sản phẩm của nhà sản xuất trong nước.
Ngoài ra điều 5.1.1 Hiệp định TBT về các rào cản kỹ thuật đối với thương mại của WTO cũng quy định, các thủ tục đánh giá tính phù hợp, cần được chuẩn bị, thông qua và áp dụng sao cho các nhà cung cấp các sản phẩm tương tự, có xuất xứ từ lãnh thổ các nước thành viên khác, được hưởng các đối xử, không kém phần ưu đãi hơn, các đối xử dành cho các nhà cung cấp, các sản phẩm tương tự, được sản xuất trong nước, trong các hoàn cảnh tương đương.
Tuy nhiên điểm a, khoản 2, điều 6 trong Nghị định 116, quy định với ô tô chưa qua sử dụng, khi tiến hành kiểm tra thử nghiệm, DN nhập khẩu phải cung cấp bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu, được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài. Cùng với đó là phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra, thử nghiệm đối với từng lô nhập khẩu. Mỗi lô xe nhập về sẽ phải lấy mẫu đem đi kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
Về quy định này, phía Nhật Bản quan ngại, liệu có phải xe nhập khẩu bị đối xử kém phần ưu đãi hơn, so với xe lắp ráp trong nước hay không? Ít nhất việc kiểm tra về khí thải, tính an toàn, được thực hiện từng lô xe nhập khẩu, với mỗi loại xe ô tô, sẽ dẫn dến việc nhập khẩu bị đối xử kém phần ưu đãi hơn, so với xe nội địa, về tần suất kiểm tra. Thêm vào đó, do chưa quy định rõ ràng về tiêu chuẩn kiểm tra, nên không thể xác nhận được rằng, xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, được đối xử tương tự như xe sản xuất trong nước, bức thư nhấn mạnh.
Trần Thủy
Nguồn: vietnamnet.vn